Dù tin hay không thì vấn đề tiền bạc là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn, sau sự không chung thủy.
Ngay cả khi bạn và nửa kia có thu nhập tốt và tự chủ về tài chính. Đôi khi những bất đồng nhỏ xoay quanh việc chi tiêu không hợp lý cũng có thể biến thành cuộc tranh cãi lớn.
Bạn nghĩ không cần thảo luận với người ấy về tiền bạc vì cả hai tin tưởng lẫn nhau. Nhưng đây là điều thực sự quan trọng trong một mối quan hệ vợ chồng. Đặc biệt là trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập chung của gia đình. Việc chi tiêu không hợp lý khiến gia đình bạn dễ rơi vào tình trạng bội chi.
Đừng để vấn đề quản lý chi tiêu gia đình yếu kém làm cái cớ đưa bạn vào “nấm mồ” hôn nhân. Do đó, bạn nhất định phải đọc hết bài viết này để tìm ra giải pháp để giúp bạn quản lý chi tiêu gia đình tốt hơn.
MỘT SỐ SAI LẦM VỀ QUẢN LÝ CHI TIÊU GIA ĐÌNH HAY GẶP
1. Không thống nhất về việc ai giữ tiền
Nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ rất ngại việc trò chuyện về tiền bạc. Vì cả hai đều đi làm và độc lập về tài chính trước khi kết hôn. Nên nhiều trường hợp sẽ ít khi chia sẻ về thu nhập của nhau. Thậm chí sau khi lấy nhau thì cả vợ và chồng để có tư tưởng kiểu “tây hóa” là “tiền ai người nấy xài”.
Bên cạnh đó, trường hợp chỉ có một người giữ tiền và quyết định hết mọi chi tiêu trong gia đình cũng không được tính là hợp lý.
Bởi nếu người giữ tiền không khéo léo, tính toán chi tiêu không hợp lý thì dễ có tình trạng bất cân bằng trong mối quan hệ vợ chồng. Người này phụ thuộc tài chính vào người kia hoặc cảm thấy lép vế trước bạn đời.
Thậm chí có nhiều gia đình người vợ quản lý tiền bạc quá chặt. Người chồng thường có khuynh hướng giữ 1 phần tiền làm “quỹ đen”. Điều này làm cho người vợ luôn nghi kỵ chồng không trung thực. Còn người chồng thì cảm thấy người vợ quá đáng và mình không được tôn trọng.
Thế là vấn đề “tích tiểu thành đại”…
Từ những bất đồng nhỏ thành cuộc tranh cãi lớn gây mất hòa khí trong gia đình.
2. Không làm rõ trách nhiệm tài chính của vợ chồng
Các cặp vợ chồng cần bàn bạc và định rõ các trách nhiệm tài chính ngay khi mới cưới.
Ví dụ: số tiền cần đóng góp vào quỹ chi tiêu cho sinh hoạt của gia đình (phù hợp với thu nhập từng người). Nên làm rõ trách nhiệm chi tiêu của mỗi người cho các khoản sinh hoạt chung. Người chồng sẽ chi trả các khoản tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền học cho con. Người vợ sẽ là người chịu trách nhiệm tiền chợ, tiền tiết kiệm,…
Nếu không phân chia trách nhiệm tài chính từ ban đầu. Thì việc quản lý chi tiêu gia đình rất dễ nhập nhằng, không có sự chủ động quản lý chi tiêu.
Thậm chí người này sẽ ỷ lại hoặc đổ trách nhiệm cho người người kia. Khi cần đến những khoản tiền lớn, vợ chồng bạn sẽ hoàn toàn bị động, chỉ biết “ngơ ngác nhìn nhau”.
3. Không chia sẻ về sở thích và thói quen chi tiêu cá nhân
Trước khi đến với nhau thì mỗi người sẽ có cách quản lý chi tiêu cá nhân khác nhau, tùy theo sở thích và thói quen của mỗi người. Sau khi kết hôn mà vợ chồng không chia sẻ thói quen và nhu cầu chi tiêu cho nhau nghe. Không bàn bạc về mục tiêu tài chính chung thì dễ xảy ra tình trạng “ích kỷ” trong chi tiêu.
Ví dụ: người chồng rất thích các sản phẩm về công nghệ, đồ chơi cho xe hơi,… Còn người vợ thì có sở thích mua sắm quần áo, mỹ phẩm và đi spa mỗi tháng.
Nếu hai người không chia sẻ thói quen chi tiêu cho những sở thích cá nhân. Thì cả hai đều sẽ có cảm giác người kia đang phung phí tiền bạc cho những món đồ không cần thiết. Hoặc sẽ có cảm giác nửa kia quá ích kỷ, chỉ biết chi tiền cho bản thân.
Lúc đầu các cặp vợ chồng thường có khuynh hướng giữ sự khó chịu trong lòng. Nhưng đến một lúc nào đó, sự khó chịu đó sẽ bùng nổ thành sự phẫn nộ.
Bạn cũng không thể tiết kiệm nếu chồng/vợ mình cứ vung tay quá trán. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là hai vợ chồng cần nói chuyện với nhau về thói quen và ý định chi tiêu cá nhân.
4. Không có kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình rõ ràng
Không ít gia đình không hề có kế hoạch chi tiêu hằng tháng chứ đừng nói tới chuyện quản lý chi tiêu gia đình hợp lý. Hầu như các gia đình sẽ chi cho chi phí ăn ở, sinh hoạt khi có nhu cầu và phát sinh. Và tháng sau sẽ ước lượng số tiền sẽ chi chứ không hề ghi chép lại các khoản đã chi và phải chi.
Xem thêm:
Số tiền cần chi cho sinh hoạt lúc nhiều lúc ít, không kiểm soát được. Do đó, số tiền còn lại để tiết kiệm cũng không còn bao nhiêu. Đến khi cần một số tiền lớn cho mục đích nào đó lại không có đủ tiền, họ lại thắc mắc không biết của vợ chồng đi đâu hết.
5. Không có ngân sách dự phòng
Bởi vì không lập kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình, chắc chắn gia đình đó cũng không có ngân sách dự phòng cho trường hợp rủi ro như: tai nạn, bệnh tật, thất nghiệp,…
Không có ngân sách dự phòng thì chắc chắn không có quỹ tiết kiệm cho mục đích tài chính lớn như mua nhà, mua xe, đầu tư,…
Nếu vợ chồng bạn mới cưới chắc chắn sẽ chưa thấy cảnh khó khăn khi không có ngân sách dự phòng. Vì lúc này hai bạn chỉ chi tiêu cho hai người, gánh nặng tài chính không lớn.
Nhưng bạn là người đã có con… Chắc chắn bạn sẽ thấm thía về tầm quan trọng của ngân sách dự phòng. Chỉ lỡ như một trong hai người vợ hoặc chồng gặp sự cố hoặc mất thu nhập thì người còn lại phải gách vác cả gia đình. Tất nhiên lúc này số lượng thành viên đã tăng lên, đồng nghĩa trách nhiệm và gánh nặng tài chính tăng lên.
6. Không giáo dục về quản lý tài chính cho con từ lúc nhỏ
Bạn biết đấy, chúng ta không hề học về tiền bạc ở nhà trường mà chúng ta học từ gia đình của chúng ta. Thế nhưng chúng ta chỉ học về cách tiêu tiền chứ không hề được dạy cách quản lý tiền bạc.
Đây là một thiếu sót hết sức nghiêm trọng trong cách giáo dục của gia đình. Bất kể vợ chồng bạn có phải là người biết quản lý tiền bạc, quản lý chi tiêu gia đình hay không. Thì cũng đừng bỏ qua vấn đề giáo dục chi tiêu cho con bạn ngay từ lúc bé còn nhỏ.
Nếu có thể thì trong lúc bạn thực hành quản lý chi tiêu gia đình. Hãy dành thời gian giải thích cho con bạn hiểu giá trị của tiền bạc.
Tại sao phải quản lý chi tiêu?
Điều này giúp ích gì cho gia đình bạn và cho con của bạn?
Hãy dạy cho con bạn kiếm tiền bằng cách phụ giúp cha mẹ làm việc nhà. Dạy cho con bạn biết làm thế nào để tiết kiệm.
Xem thêm: 6 Bài học tôi học được từ sách đầu tư tài chính
GIẢI PHÁP GIÚP BẠN QUẢN LÝ CHI TIÊU GIA ĐÌNH TỐT HƠN
1. “Giao tiếp”- giải pháp hữu hiệu để vợ chồng thấu hiểu nhau
Nhưng đã nói ở trên, hầu như các cặp vợ chồng thường mắc sai lầm trong cách chi tiêu là do ít giao tiếp về vần đề tiền bạc. Ngay từ đầu đã ngại nói về vấn đề tiền bạc, không phân chia trách nhiệm tài chính cho ràng cho nhau thì càng về sau thì bạn càng khó mở miệng để bàn về chủ đề này.
Do đó, bạn nên thường xuyên chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề chi tiêu trong gia đình. Chia sẻ về mục tiêu tài chính của bạn cũng như mục tiêu cho gia đình. Bạn có thể trò chuyện với gia đình mình về các vấn đề tiền bạc ngay ở bữa ăn tối chung hoặc bữa ăn riêng chỉ có 2 vợ chồng.
Đặc biệt nếu bạn có ý tưởng mua một chiếc xe hơi, mua nhà hoặc mua một món hàng giá trị lớn hãy lựa thời gian phù hợp ví dụ một bữa ăn ấm cúng chỉ có vợ chồng để nói cho nhau nghe ý định này.
Cách này rất có hiệu quả đấy nhé! Lúc đó cả hai sẽ bình tĩnh lắng nghe lẫn nhau và đưa ra một kế hoạch cụ thể để cùng nhau thực hiện ý tưởng đó.
2. Lập kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình
Không ai sinh ra đã có kỹ năng quản lý tiền bạc. Khi trưởng thành, chúng ta được kỳ vọng sẽ có thể quản lý tiền bạc của mình một cách hiệu quả. Tuy nhiên ít người trong chúng ta được dạy cách làm. Do đó, nhiều người trải qua những cảm xúc lúng túng khi không biết bắt đầu quản lý tiền bạc từ đâu.
Để giúp bạn có định hướng rõ ràng trong việc lập kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý cho gia đình mình, bạn có thể tham khảo 6 bước dưới đây.
Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ giúp bạn lập kế hoạch quản lý chi tiêu tốt hơn
6 bước cơ bản giúp bạn lập kế hoạch quản lý chi tiêu
Bước 1: Xác định mục tiêu của kế hoạch quản lý chi tiêu. Bạn cần xác định kế hoạch quản lý chi tiêu này giúp bạn đạt được điều gì? Đó có thể là sống mà không phải lo lắng về tiền bạc hay mua nhà riêng cho gia đình bạn,…
Bước 2: Xác định thu nhập và chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình bạn.
Bước 3: Tách bạch nhu cầu và mong muốn. Có như thế bạn sẽ cắt giảm được những khoản chi tiêu không cần thiết và tiết kiệm được nhiều hơn.
Bước 4: Thiết lập ngân sách chi tiêu, ngân sách dự phòng, quỹ tiết kiệm theo quy tắc 6 chiếc lọ hoặc quy tắc 50-30-20.
Bước 5: Đưa kế hoạch thành hành động cụ thể, ghi chi các hoạt động thu chi thường xuyên bằng sổ tay thu chi hoặc phần mềm theo dõi chi tiêu.
Bước 6: Theo dõi, đánh giá kế hoạch theo từng tháng và điều chỉnh kế hoạch cho tháng tiếp theo.
Bước 7: Luôn đặt thêm các mục tiêu tài chính trong tương lai để bạn có động lực thực hiện quản lý chi tiêu gia đình tốt nhất có thể và đạt được thịnh vượng trong tương lai.
3. Giải quyết bất đồng tài chính phát sinh
Dù trước đó hai vợ chồng bạn hiểu về thói quen cũng như quan điểm về tiền bạc của nhau. Nhưng hai vợ chồng cũng nên trao đổi và thống nhất thêm về việc giải quyết bất đồng tài chính có thể phát sinh trong tương lai.
Để tránh những bất đồng trong tương lại thì các bạn nên tuân thủ theo những nguyên tắc bình đẳng sau:
Luôn thành thật với nhau
Sự thành thật là một trong số yếu tố đảm bảo cho sự bền chặt cho quan hệ của bạn. Bạn cần vận dụng những điều này khi quản lý tiền bạc. Hãy thành thật về thu nhập, chi tiêu và tiền tiết kiệm.
Ngay cả khi không ổn định về mặt tài chính thì bạn cũng không cần phải che giấu nửa kia. Thành thật chia sẻ với nhau cũng là cách giúp bạn vượt qua khó khăn. Vì dù sao, một người suy nghĩ cách giải quyết vấn đề cũng không bằng 2 người cùng nghĩ.
Hãy giữ suy nghĩ tích cực, tránh đổ lỗi cho nhau
Các vấn đề liên quan đến tiền bạc thực sự phiền toái và có thể làm gia tăng xung đột ngay cả với một mối quan hệ bền chặt. Vì vậy, khi bạn cố gắng giải quyết vấn đề cần tránh đổ lỗi cho nửa kia.
Thay vì chỉ tay vào mặt nửa kia, bạn hãy chọn một hướng giải quyết tích cực. Hãy nói chuyện thật bình tĩnh, rõ ràng để tìm ra giải pháp cho những dạng khủng hoảng này.
Hào phóng và linh hoạt
Chắc chắn vợ chồng bạn không kiếm được số tiền như nhau. Nếu nửa kia của bạn không thể đóng góp nhiều vào tài khoản tiết kiệm… Thì cũng không cần chỉ trích hay nói móc méo nhau.
Tương tự, nếu nửa kia không đủ tiền để mua một thứ gì đó cho nhu cầu cá nhân… Bạn có thể mua tặng họ.
Hào phóng và linh hoạt trong vấn đề tiền bạc có thể giúp thắt chặt mối quan hệ của bạn. Bởi vì chúng ta cố gắng tiết kiệm cho mục tiêu chung. Nhưng cũng không thể keo kiệt với chính người thân thương của mình.
Cùng nhau học về quản lý tài chính
Nếu cả vợ và chồng đều học và có kiến thức tài chính. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi và tìm thấy tiếng nói chung trong quản lý chi tiêu gia đình. Cả hai bạn cũng có thêm kiến thức để xây dựng sự thịnh vượng về tài chính, sớm đạt được mục tiêu tài chính.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể truyền thụ cách thức kiếm tiền, quản lý chi tiêu, tiết kiệm tiền hay cách đầu tư cho thế hệ con cháu của bạn.